Phương pháp BLOOM ứng dụng trong Toán học

  • Post author:
  • Post published:09/03/2021

Năm 1956, Benjamin Bloom – nhà tâm lí giáo dục người Mỹ – đã cùng một số tác giả xây dựng bảng phân loại mục tiêu giáo dục theo hai lĩnh vực: Tri thức (Cognitive domain) và Cảm xúc (Affective domain). Bảng phân loại về tri thức của Bloom hiện nay được sử dụng phổ biến trên khắp thế giới và không ngừng được cải tiến, phát triển. “ Phân loại Bloom” được dùng như là công cụ quan trọng trong xây dựng mục tiêu giáo dục, đo lường giáo dục, đặt câu hỏi trong dạy học, nghiên cứu, xây dựng và thiết kế bài giảng cũng như hướng dẫn giảng dạy để đạt mục tiêu đề ra.

1. Phương pháp BLOOM là gì?

Theo Bloom, lĩnh vực Tri thức được chia thành sáu phạm trù chủ yếu, sắp xếp theo mức độ tăng dần, gồm: Biết (Knowledge), Hiểu (Comprehension), Ứng dụng (Application), Phân tích (Analysis), Tổng hợp (Synthesis) và Đánh giá (Evaluation); hiện nay đã được điều chỉnh gồm sáu cấp độ: Biết, Hiểu, Ứng dụng, Phân tích,  Đánh giá và Sáng tạo.

Thang BLOOM

1.1 Câu hỏi ở cấp độ Biết
Kiến thức ở cấp độ “biết”bao gồm những thông tin người học có thể nhớ hay nhận ra sau khi tiếp nhận. Việc học thường bắt đầu từ nhu cầu “muốn biết” nhưng để kiểm tra “biết được cái gì đó”, người học chỉ cần vận dụng trí nhớ nên kết quả đạt được ở mức “biết” là rất thấp. Mục tiêu giáo dục không dừng ở việc dạy các tri thức thuộc mức “biết”. Vì vậy, câu hỏi ở mức độ “biết” là những câu hỏi dễ nhất.
– Mục tiêu: Kiểm tra trí nhớ của người học về các dữ kiện, số liệu, các định nghĩa, định lý, quy tắc, khái niệm…
– Tác dụng đối với người học: giúp người học tái hiện lại những gì đã học, đã biết, đã trải qua.
– Cách tiến hành: Khi đặt câu hỏi, giáo viên có thể sử dụng các cụm từ: Cái gì…?, Ở đâu…?, Thế nào…?, Khi nào…?, Hãy định nghĩa…, Hãy nêu…, Hãy mô tả…
– Ví dụ:
• Khi nào tồn tại hàm số ngược của hàm một biến số?
• Hãy nêu các tính chất của tích phân xác định?
• Thế nào là sự hội tụ của một tích phân suy rộng?
• Hãy định nghĩa tích phân bội hai?

1.2 Câu hỏi ở cấp độ Hiểu (Thông hiểu)
Hiểu được vấn đề nào đó tức là bao hàm việc đã “biết” về vấn đề đó nhưng ở mức cao hơn. Ở mức này, người học có khả năng chỉ ra ý nghĩa và mối liên hệ giữa các thông tin hay khái niệm mà họ đã biết. Khi phát biểu một định nghĩa nào đó, tức là người học đã biết đến khái niệm đó, nhưng để chứng tỏ “hiểu”, họ phải có khả năng giải thích được các khái niệm, có thể minh họa bằng các ví dụ hay hình ảnh, phát biểu lại định nghĩa đó dưới dạng khác mà không mất đi đặc trưng của khái niệm,…
– Mục tiêu: Kiểm tra sinh viên về cách liên hệ, kết nối các dữ liệu, số liệu, các định nghĩa, tính chất,…
– Tác dụng đối với người học: Sinh viên có khả năng diễn tả bằng lời nói, nêu ra được các yếu tố cơ bản hoặc so sánh được các yếu tố cơ bản trong bài học.
– Cách tiến hành: Khi đặt câu hỏi, giáo viên có thể sử dụng các cụm từ như: Tại sao…?, Vì sao…?, Hãy so sánh…, Hãy liên hệ…, Hãy tính……
– Ví dụ:
• Hãy so sánh (phân biệt) khái niệm cực trị với khái niệm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất?
• Hãy so sánh tính chất của tích phân bội hai với tích phân bội ba?
• Hãy phân tích phân thức hữu tỉ (thực sự) sau thành tổng các phân thức hữu tỉ dạng cơ bản?
• Hãy liên hệ khái niệm cực trị với bài toán thực tiễn?

1.3 Câu hỏi ở cấp độ Ứng dụng

Cấp độ “ứng dụng” là khả năng người học vận dụng kiến thức, sử dụng định nghĩa, định lý, tính chất, phương pháp hay nguyên lí, ý tưởng để giải quyết bài toán hoặc một vấn đề nào đó trong thực tiễn.
– Mục tiêu:Kiểm tra khả năng áp dụng những kiến thức đã học ( các khái niệm, tính chất, quy tắc, phương pháp,…) vào giải quyết các bài toán hoặc các vấn đề của thực tiễn trong điều kiện, hoàn cảnh mới.
– Tác dụng đối với người học: Sinh viên hiểu sâu nội dung kiến thức, các khái niệm, định lý, biết cách lựa chọn phương pháp phù hợp với từng bài toán, từng vấn đề trong thực tế cuộc sống.
– Cách tiến hành: Khi đặt câu hỏi, giáo viên cần tạo ra các tình huống mới (bài toán mới), gắn với thực tế, khác với điều kiện đã học trong bài; sử dụng các cụm từ như: Làm thế nào…?, Có cách giải quyết nào…?, Hãy tính…, Hãy áp dụng…
– Ví dụ:
• Hãy phân tích phân thức hữu tỉ (thực sự) sau thành tổng các phân thức hữu tỉ dạng cơ bản?

1.4 Câu hỏi ở cấp độ Phân tích
“ Phân tích” là khả năng chia nhỏ vấn đề thành các khái niệm, thành phần có quan hệ hữu cơ với nhau để tìm hiểu bản chất của vấn đề. Với khả năng phân tích, người học hiểu rõ bản chất của sự vật, hiện tượng hay khái niệm, định lý,… nó là tiền đề, cơ sở quan trọng, là các dữ liệu để người học tổng hợp hoặc phê phán, từ đó đi tới sáng tạo cái mới.
– Mục tiêu: Kiểm tra khả năng phân tích nội dung, vấn đề, từ đó tìm ra mối liên hệ hoặc chứng minh luận điểm, hoặc đi đến kết luận về một vấn đề cụ thể.
– Tác dụng đối với người học: Sinh viên suy nghĩ, có khả năng tìm ra được các mối quan hệ trong sự vật, hiện tượng, tự diễn giải hoặc đưa ra kết luận riêng, nhờ đó tư duy logic được phát triển. Câu hỏi phân tích thường có nhiều lời giải.
– Cách tiến hành: Khi đặt câu hỏi, giáo viên sử dụng các cụm từ như: Tại sao…?, Vì sao…?, Em có nhận xét gì…?, Hãy chứng minh…, Hãy so sánh…, Hãy phân tích…

1.5 Câu hỏi ở cấp độ Đánh giá
“ Đánh giá” là khả năng xây dựng giá trị, đưa ra các nhận xét hay – dở, tốt – xấu, tiến bộ – lạc hậu, phù hợp – không phù hợp… về các sự vật, hiện tượng, khái niệm hay phương pháp. Để đánh giá, người học phải có khả năng phân tích, hiểu tường tận vấn đề, tổng hợp và so sánh từ nhiều nguồn dữ liệu, từ đó đưa ra nhận định cuối cùng. Đây là mức cao của trí tuệ, bởi kết quả của đánh giá thể hiện quan điểm, nhận thức của người học về một vấn đề, hay sự vật trong nội dung học tập hoặc cuộc sống
– Mục tiêu: Kiểm tra khả năng đóng góp ý kiến, sự phán đoán của sinh viên  trong việc nhận định, đánh giá các ý tưởng, sự kiện, hiện tượng,… dựa trên các tiêu chí đã được hình thành trong quá trình lĩnh hội tri thức.
– Tác dụng đối với người học: Thúc đẩy sinh viên tìm tòi tri thức, xác định giá trị.
– Cách tiến hành:
+ Câu hỏi “đánh giá” thường được sử dụng sau khi học xong một nội dung hoặc cuối một hoạt động đã có kết quả ( sinh viên có thể tự đánh giá và đánh giá kết quả của nhau)
+ Câu hỏi “đánh giá” thường được kết hợp giữa câu hỏi đóng và câu hỏi mở – sinh viên đưa ra nhận định đồng thời phải giải thích được lí do tại sao lại đưa ra nhận định đó. Điều này kích thích phát triển tư duy logic, tư duy phê phán, hình thành năng lực đánh giá cho sinh viên.
– Ví dụ:
• Em hãy đánh giá (nhận xét) về bài tập các bạn đã làm ở phần ví dụ trên (phần câu hỏi ở cấp độ phân tích).
• Em có yêu thích học phần Toán ứng dụng không? Chương nào của học phần khiến em thấy thú vị nhất? Vì sao?

1.6 Câu hỏi ở cấp độ Sáng tạo
“Sáng tạo” là cấp độ cao nhất trong các cấp độ tư duy, trên cơ sở các kiến thức đã được xây dựng, hình thành trong quá trình học, người học đưa ra những dự đoán, cách giải quyết vấn đề, cách làm mới theo suy nghĩ của mình. Các câu hỏi ở cấp độ này khuyến khích người học phát triển trí tưởng tượng, tư duy sáng tạo, hình thành năng lực sáng tạo cho người học.
– Mục tiêu: Khuyến khích sinh viên đưa ra cách làm mới, cách giải quyết vấn đề trong các tình huống cụ thể; thể hiện những nguyện vọng, ước mơ, mong muốn thay đổi hiện trạng, tạo ra cái mới, cái tiến bộ.
– Tác dụng đối với người học: Sinh viên phát triển trí tưởng tượng, tư duy logic, tư duy phê phán, kĩ năng giải quyết vấn đề; hình thành năng lực sáng tạo, ham thích tìm tòi tạo ra cái mới mang lại lợi ích cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
– Cách tiến hành:Giảng viên cần tạo ra những tình huống, những câu hỏi khiến sinh viên phải suy đoán, có thể tự do đưa ra những lời giải, cách giải quyết mới mang tính sáng tạo riêng của mình. Các cụm từ để hỏi thường là: Có cách làm (cách giải) nào khác…?, Có giải pháp nào khác để giải quyết tình huống/ vấn đề…?

Dựa vào một số động từ gợi ý ở các các mức độ tư duy của Bloom, giáo viên có thể tùy theo nội dung bài học, mục đích mà chọn động từ  tương ứng để viết mục tiêu bài học. Để có thể viết được một mục tiêu bài học, chúng ta cần phải tuân thủ một nguyên tắc quan trọng: mục tiêu phải cụ thể, có thể đo được mức độ tư duy của người học, có thể đạt được, phải phù hợp nội dung và có điều kiện thực hiện – giới hạn thời gian rõ ràng nhằm đảm bảo cho người học có thể đạt được mục tiêu mà giáo viên đề ra.

Mục tiêu dạy học nói chung và bài giảng nói riêng có một ý nghĩa hết sức quan trọng, nó định hướng và giúp lập kế hoạch cho các hoạt động dạy học và khi thực hiện sẽ quyết định thành công của kế hoạch này; nó còn định hướng cho việc tìm tài liệu dạy học; là cơ sở xác định các kết quả học tập cần đạt, để kiểm tra, đánh giá người học, người dạy và giá trị của một bài giảng, một chương trình đào tạo.

Có thể nói, không có tiết giảng nào hiệu quả mà lại thiếu mục tiêu bài giảng. Một bài học thiếu mục tiêu hoặc xác định không đúng và không rõ ràng giống như một chiếc thuyền ra khơi mà không xác định được đích đến, không biết mình đang đi đâu, không ý thức được bằng cách nào để đi đến đích và không biết được khi nào thì sẽ đến đích.

Mặc dù mục tiêu bài giảng không phải là phần trọng tâm của một giáo án lên lớp, nó không lộ diện trong giờ lên lớp nhưng mục tiêu bài giảng là một phần giáo viên phải đầu tư trong hoạt động dạy học vì nó định hướng cho giáo viên các hoạt động trong giờ dạy làm nên thành công của tiết dạy.

trung tâm toán hoàn unix

Trung tâm toán học UNIX luôn đi đầu trong việc phát triển tư duy. Khảo sát năng lực và thiết lập lộ trình học tập phù hợp với cá nhân mỗi em học sinh. Với đội ngũ giáo viên theo sát và kèm cặp riêng tình trạng học tập. Cá nhân các em học sinh và các bậc phụ huynh sẽ có thể dễ dàng cập nhật tình hình học tập mỗi ngày.

Hãy thử tham khảo lộ trình học toán thông qua chương trình “ĐÁNH THỨC CẢM HỨNG TOÁN HỌC” hoàn toàn miễn phí. Chương trình sẽ giúp các em nhìn nhận được năng lực của bản thân và từ đó các thầy cô sẽ thiết lập cho các em  kế hoạch học tập hoàn hảo  giúp em giỏi toán chỉ sau 1 tháng.