Gần đây, các nhà khoa học đã khám phá ra mối liên hệ giữa việc sử dụng thiết bị công nghệ quá mức của bố mẹ (đặc biệt là điện thoại) với những vấn đề hành vi ở con cái
Tính đến 2019, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là 64 triệu người theo báo cáo của We Are Social. Dự báo trước năm 2020, số lượng người dùng Internet Việt Nam sẽ khoảng 76 triệu người, đạt mốc 80% dân số tính ở thời điểm năm 2019. Việt Nam hiện đang xếp thứ 7 trong số các quốc gia có lượng người dùng Facebook lớn nhất trên thế giới. Tính chung về mảng mạng xã hội, Việt Nam có khoảng 40% người dùng. Những con số khẳng định Việt Nam là đất nước có mật độ cũng như cường độ sử dụng thiết bị công nghệ phổ biến và ngày càng gia tăng.
Khoảng 200 gia đình đã tham gia một nghiên cứu về sự can thiệp của công nghệ với các tương tác mặt đối mặt. Sau nghiên cứu, một thuật ngữ mới toanh được cập nhật đó là Technoference. Đây là từ viết tắt của cụm từ Interference of technology với ý nghĩa là sự gián đoạn do công nghệ gây ra.
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Pediatric Research cho thấy hành vi xấu ở trẻ có liên hệ mật thiết với mức độ sử dụng điện thoại của người mẹ. Theo đó, sự can thiệp này khi xuất hiện trong các bữa ăn sẽ khiến trẻ bực bội, dễ nổi cáu, mè nheo hay ăn vạ. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy phụ huynh sử dụng tivi, máy tính, máy tính bảng và điện thoại trung bình 9 tiếng một ngày. Trong đó, 1/3 thời gian là dành cho điện thoại, và thường là trong các hoạt độnggia đình như bữa ăn, giờ chơi và trước khi ngủ. Các chuyên gia tại Đại học Michigan và Đại học bang Illinois cho biết đây là những khoảng thời gian quan trọng góp phần hình thành cảm xúc và kỹ năng xã hội ở trẻ.
Các nghiên cứu chỉ ra, trẻ từ 11-14 tháng thường xuyên nhận được tương tác từ người lớn ở bên cạnh thông qua ánh mắt âu yếm, câu nói phản hồi sẽ có thể phát triển khả năng ngôn ngữ nhanh gấp đôi mức bình thường.
Ngược lại nếu những vị phụ huynh cứ chăm chú vào điện thoại thông minh mà quên đi sự tương tác, thường xuyên giao tiếp, con trẻ có khả năng bị chậm nói, tư duy kém. Tiến sĩ Jenny Radesky, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Trẻ thường bộc phát ra ngoài khi đối mặt với sự can thiệp của công nghệ, thay vì xử lý trong nội tâm”. Theo Tiến sĩ Brandon McDaniel, phụ huynh của trẻ có khuynh hướng bộc phát như vậy sẽ cảm thấy căng thẳng hơn. Điều này dẫn tới việc họ càng muốn tìm kiếm sự khuây khỏa từ công nghệ, hậu quả là tình trạng xấu của trẻ càng tăng. Với những trẻ bị từ chối về mặt cảm xúc, không được bố mẹ quan tâm sẽ gặp cản trở đối với quá trình phát triển não. Khi người lớn nhìn trẻ mỉm cười và trẻ cười lại, trong não trẻ cũng như não người lớn đều tiết ra chất hóa học giúp cả hai cảm nhận hạnh phúc. Nuôi dưỡng mối quan hệ có phản hồi qua lại về mặt cảm xúc, điều đó giúp trẻ phát triển trí thông minh và sự nhạy cảm.
Nhận biết được hậu quả nghiêm trọng của Technoference, thành phố Manchester (Anh) đã phát động chiến dịch nhằm giải quyết vấn đề giao tiếp giữa cha mẹ và con do công nghệ gây ra. Đây là thành phố đầu tiên ở Anh thực hiện kế hoạch này, trong đó cha mẹ sẽ nhận được các tin nhắn đề nghị họ khi nào nên bỏ điện thoại xuống để quan tâm đến con cái.
Câu chuyện có thật xảy ra với Mikayla – bé gái người Philippines đang được hàng nghìn phụ huynh trên thế giới quan tâm chia sẻ. Công việc kinh doanh quá bận rộn, để rảnh tay với đứa con nhỏ được nghỉ hè ở nhà, mẹ bé đã đưa ipad và bật tivi cho con xem gần như suốt ngày. Mikayla được chẩn đoán động kinh và liệt tay là do xem tivi và dùng ipad quá nhiều.
Bé Nguyễn Minh Nhật, 7 tuổi, nhà ở H.Bình Tân, TP.HCM rất thích chơi game trên điện thoại di động. Nhật được mẹ đưa đến khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng I thăm khám khi một bên mắt phải co giật liên tục.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ chuẩn đoán Nhật bị mắc hội chứng TIC – một hội chứng rối loạn về vận động khi hoạt động thần kinh bất ổn định. Hội chứng TIC ngày càng xuất hiện nhiều ở nhóm trẻ “nghiện” chơi điện thoại, xem tivi. Mặc dù không phải là bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cũng như sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, TIC lại để lại những dị tật như giật mắt, méo miệng kéo dài đến mãi sau này, ảnh hưởng đến ngoại hình, sinh hoạt và quá trình giao tiếp với mọi người xung quanh.
Khi công nghệ chưa phát triển, trẻ em thường giải trí với nhiều hoạt động thể chất như đá bóng, chạy nhảy, leo trèo… các món đồ chơi, trò chơi sáng tạo như vẽ tranh, nặn đất sét, ghép hình… Còn giờ đây, những thứ đó được thay thế bằng thiết bị số với rất nhiều trò giải trí hấp dẫn, đa dạng, bắt mắt. Smartphone, máy tính bảng khiến trẻ chỉ ngồi yên một chỗ và dán mắt vào màn hình, không còn thời gian dành cho vận động thể chất cùng các hoạt động khác; làm cho các em thiếu sự nhanh nhẹn và hoạt bát, tăng nguy cơ béo phì, suy giảm thị lực, có thể dẫn tới các bệnh tật khác. Thị giác, vận động của giác quan, trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo đang trong thời kỳ mới chớm nở là các yếu tố chỉ có thể được kích thích, rèn giũa, phát triển trong thế giới thực muôn màu, đầy sinh động, chứ không phải trong thế giới ảo. Bố mẹ là người làm gương và chỉ dẫn để con cái chủ động bước ra khỏi thế giới ảo và về với những giá trị thực của cuộc sống.